Sunday, February 13, 2005

Thái Lan và chính sách năng lượng


Thái Lan quyết liệt hạn chế tiêu thụ xăng dầu 25/10/2004

Trong tình hình giá xăng dầu trên thị trường thế giới đang ở mức rất cao, từ nhiều tháng nay, Chính phủ Thái Lan đã đưa ra hàng loạt biện pháp để tiết kiệm năng lượng trong lúc lượng xe hơi cá nhân tăng nhanh tại Bangkok.

Thu phí xe hơi cá nhân tại Bangkok

Theo báo Business Times, hôm qua 17/8, Bộ Năng lượng Thái Lan đã thông qua đề án về việc thu phí xe hơi cá nhân trên một số tuyến đường chính tại thủ đô Bangkok (tương tự như một số thành phố khác như Singapore, London hay Jakarta). Qua đó khuyến khích người dân sử dụng phương tiện vận tải công cộng, hạn chế tiêu thụ xăng dầu.

Đây là một trong hàng loạt biện pháp tiết kiệm năng lượng mà Chính phủ Thái Lan đã thực hiện để đối phó với cơn sốt dầu mỏ hiện tại.

Từ nhiều tháng nay, hệ thống đèn đường, trạm xăng, bảng chiếu sáng công cộng, bảng quảng cáo điện… tại một số khu vực ở Bangkok và các thành phố lớn đã được tắt sớm. Các cơ quan của Chính phủ được yêu cầu tiết kiệm năng lượng tối đa; khuyến khích các cửa hiệu, rạp chiếu phim, trung tâm mua sắm… đóng cửa trước 10 giờ tối cũng như kêu gọi người dân tiết kiệm điện năng tiêu thụ.

Dù chưa có quyết định sau cùng từ phía Chính phủ của Thủ tướng Thaksin Shinawatra, nhưng vấn đề thu phí xe hơi đã gặp phải phản ứng mạnh của dư luận. Nhiều người dân cho rằng, hệ thống giao thông công cộng tại Bangkok chưa thể đáp ứng cho nhu cầu đi lại, nên việc thu phí xe cá nhân lúc này là bất hợp lí.

Những bất cập trong chính sách năng lượng

Chuyên viên kinh tế Sompop Manarungsan, Trường Đại học Chulalongkorn nhận định: Vấn đề thu phí ô tô cá nhân tại Bangkok cho thấy những mâu thuẫn trong các chính sách của Chính phủ. Trước đây Thái Lan đã hạ thuế suất sản xuất nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô nội địa phát triển, nhưng nay lại hạn chế phương tiện vận chuyển cá nhân. Còn theo Nhật báo The Nation ngày 16/8, chính sách năng lượng của Chính phủ hiện còn nhiều điểm bất cập, trong đó đáng chú ý nhất là việc trợ cấp xăng dầu.

Mỗi năm Thái Lan phải cho tới 9,5 tỷ USD để nhập khẩu dầu mỏ (khoảng 800.000 thùng/ngày). Để hạn chế những biến động lớn về giá cả, kìm chế lạm phát cũng như giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 7%, Chính phủ Thái đã trợ cấp khoảng 25 tỷ baht (600 triệu USD) cho lĩnh vực xăng dầu, nhờ vậy mà các nhà máy sản xuất hay dịch vụ vận tải vẫn chưa tác động lớn.

Tuy nhiên, việc này không thể kéo dài mãi vì làm gia tăng mức thâm hụt ngân sách cũng như những xáo trộn lớn đối với nền kinh tế một khi Chính phủ buộc phải cắt bỏ khoản trợ cấp một cách đột ngột. Vì vậy, Chính phủ Thái Lan nên nhanh chóng thực hiện việc cắt giảm, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn trợ cấp, để giá xăng dầu trong nước ngang bằng với giá thị trường quốc tế. Điều này sẽ làm giảm mức thâm hụt ngân sách, cũng như tăng ý thức tiết kiệm năng lượng cho người dân vì khi đó, họ không còn được hưởng giá nhiên liệu rẻ như trước nữa.

(Hoàng Diệu - Theo Business Times, The Nation)


Thái Lan và năng lượng mặt trời 19/8/2004

Tuần qua, một số hoạt động đáng chú ý của Thủ tướng Thaksin Shinawatra đã cho thấy ông rất quan tâm đến vấn đề gắn phát triển năng lượng với yêu cầu bảo vệ môi trường để phát triển bền vững. Mở đầu là câu chuyện về pin mặt trời ở Mae Hong Son...

Phát biểu trong lễ khánh thành trạm phát điện bằng năng lượng mặt trời có tên Pha Bong, nằm ở phía Bắc tỉnh Mae Hong Son, Thủ tướng Thaksin nói: "“Sử dụng các pin mặt trời để tạo ra điện là một khởi đầu rất tốt cho việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Mặc dù đây là việc tốn kém nhưng Chính phủ sẽ chấp nhận chịu thiệt để giúp cho các cư dân tại những vùng xa xôi hẻo lánh có thể được sử dụng điện với giá rẻ".

Nếu cần phải có chính sách khuyến khích về thuế cho việc sản xuất pin mặt trời, ông nói Chính phủ sẽ không do dự trong việc can thiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển loại thị trường mới mẻ này. Ông đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên Thiên nhiên và Môi trường phối hợp với cơ quan điện lực của các tỉnh cùng tìm cách đấu nối hệ thống dẫn điện từ tỉnh Chiang Mai về cho tỉnh Mae Hong Son. “Vấn đề không phải là nếu muốn xây dựng một hệ thống truyền tải điện mới thì cơ quan năng lượng cứ làm. Ở đây còn có những lo ngại sâu sắc do việc xây dựng đường dây mới này có thể sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường vì đường dây này phải đi xuyên qua một khu rừng đang được bảo tồn. Vì vậy, tất cả các bên liên quan sẽ phải cùng nhau khắc phục các vấn đề nảy sinh.” - Thủ tướng Thaksin lưu ý.

Bộ trưởng Năng lượng của Thái Prommin Lertsuridej cũng đã được chỉ định để khảo sát và lập kế hoạch trợ cấp kinh phí cho việc lắp đặt các pin mặt trời lên trên các nóc nhà để sản xuất điện. Nếu việc sản xuất điện từ pin mặt trời trở nên phổ biến thì bất kỳ công suất điện dư thừa nào từ các gia đình tạo ra cũng có thể cung cấp lên hệ thống truyền tải điện chính và bán ngược trở lại cho Điện lực Thái Lan (EGAT).

Theo ông Khampui Jirararuensak, phó giám đốc EGAT, nhà máy điện Pha Bong sử dụng các pin mặt trời để phát điện sẽ được xem là nhà máy sản xuất điện kiểu mẫu cho các vùng hẻo lánh. Nhà máy điện này có công suất 55KW - tương đương 700.000 đơn vị điện cung cấp, góp phần làm giảm lượng sử dụng dầu diesel của địa phương dành cho việc tạo ra điện (215.385 lít mỗi năm), vừa làm giảm ô nhiễm môi trường, vừa tiết kiệm được khoảng 2,9 triệu bạt.

Chi phí xây dựng nhà máy điện này là 187,11 triệu bạt. Trong đó, ngân sách thúc đẩy cho việc bảo tồn năng lượng sẽ đóng góp khoảng 163,36 triệu bạt; phần còn lại sẽ do EGAT chịu. Nhà máy đã chính thức hoạt động từ ngày 9/4/2004. Tính trên mỗi đơn vị điện cung cấp có chi phí sản xuất thực tế khoảng 13,35 bạt, người sử dụng được trợ giá 1,70 bạt. EGAT sẽ chấp nhận số lỗ hàng năm khoảng 30 triệu bạt. EGAT cũng đang có kế hoạch xây dựng một nhà máy điện năng lượng mặt trời với công suất 1.700KW tại Mae Hong Son, với chi phí xây dựng khoảng 600 triệu bạt.

Năm nay, tổng nhu cầu về điện tại Mae Hong Son là 14.64MW (hay 73,4 triệu đơn vị), tăng 6% so với năm trước do sự phát triển của ngành du lịch. Địa phương sẽ còn phải tự sản xuất điện sử dụng trong một thời gian nữa vì việc đấu nối vào hệ thống truyền dẫn quốc gia còn gặp rất nhiều khó khăn vì địa thế xa xôi cách trở. Thêm vào đó, các đường đây truyền tải điện vẫn chưa được xây dựng nên sợ sẽ làm hư hại các khu rừng cần được bảo vệ.

"EGAT đã nói dối tôi về việc giải quyết các ô nhiễm tại Mae Moh!"

Mae Moh là một huyện thuộc tỉnh Lampang của Thái Lan. Thủ tướng Thái đã nói vậy khi biết rằng Điện lực Thái Lan (EGAT) đã báo cáo không trung thực với ông. Cũng vì vậy, ông Thaksin đã hủy bỏ buổi tham quan dự kiến (xem các vỏ sò hóa thạch 13 triệu năm tại mỏ than non của một nhà máy điện tại huyện Mae Moh) để đi thăm dân làng và cam kết với họ - những nạn nhân bị ảnh hưởng của nạn ô nhiễm từ hóa chất dioxid lưu huỳnh do nhà máy điện thuộc trường Đại học Rajabhat tỏa ra.

Ông Thaksin khẳng định Chính phủ Thái Lan sẽ giúp các cư dân bị ảnh hưởng bởi sự ô nhiễm ở các vùng Ban Hua Fai và Ban Huay King tái định cư. Ông nói sự giúp đỡ lẽ ra phải đến sớm hơn nếu EGAT báo cáo trung thực với ông. “EGAT nói với tôi rằng các vấn đề ô nhiễm đã được giải quyết. Nếu đó là sự thật, vì sao số người bệnh vẫn tiếp tục tăng? Tôi chưa bao giờ nhận được một báo cáo chính xác nào cả.” - Thủ tướng Thaksin nói. Hiện nay, ông đã nhận được các thông tin đầu tiên trực tiếp từ những cư dân bị ảnh hưởng vì ô nhiễm và cho biết sẽ quan tâm nhiều đến họ.

Mailwan Nakwiroj, người dẫn đầu chiến dịch chống lại sự ô nhiễm tại Mae Hoh cho biết: Hiện có khoảng 2.800 dân làng đang chữa trị các bệnh về hô hấp, mười người trong số họ đang mắc bệnh ở mức nghiêm trọng. Cô Sali Suk-khiew, 36 tuổi, sống ở Ban Huay King nói rằng toàn bộ gia đình cô bị các bệnh liên quan đến các vấn đề hô hấp đã hơn một thập kỷ nay và tốn rất nhiều chi phí cho thuốc men chữa trị.

Ông Pairoj Lohsunthorn, cố vấn của Thủ tướng Thái cho biết: Chính phủ cần thời gian để quyết định khu vực nào bị ảnh hưởng để tái định cư cho dân làng.

Trần Anh (theo Bangkok Post)