Saturday, February 12, 2005

Trung Quốc và chiến lược phát triển năng lượng


Luật đầu tiên của Trung Quốc về năng lượng tái sinh sẽ có thể ra đời sớm nhất vào nửa sau năm 2005. Động thái này nằm trong nỗ lực của chính phủ Trung Quốc nhằm tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng tái sinh như thủy điện, sức gió, năng lượng hữu cơ và năng lượng mặt trời. Theo đó, đến năm 2020, ở Trung Quốc, năng lượng tái sinh sẽ chiếm khoảng 10% trong tổng mức tiêu thụ năng lượng so với mức hiện nay là 1%.

Hướng tới năng lượng tái sinh

Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực giảm nhu cầu sử dụng các nguồn nguyên liệu truyền thống như dầu, ga và than vốn đang tăng lên làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế. Chính phủ nước này cũng hy vọng việc thay thế tiêu thụ than và dầu bằng năng lượng tái sinh sẽ giảm ô nhiễm.

Ông Wang Zhongying, giám đốc Trung tâm Phát triển năng lượng tái sinh thuộc Viện Nghiên cứu Năng lượng trực thuộc Uỷ ban cải cách và phát triển nhà nước Trung Quốc (NDRC)

http://www.chinacp.com/eng/cporg/cporg_ndrc.html

Người tham gia soạn thảo luật năng lượng tái sinh cho biết luật dự thảo đang được các bộ và cơ quan lớn của Trung Quốc đánh giá.Theo ông Wang, tháng tới, luật sửa đổi sẽ được trình lên Uỷ ban thường trực Quốc hội để xem xét lần đầu.

Theo đó, dự kiến khả năng sản xuất điện năng thông qua năng lượng tái sinh sẽ gấp đôi, đạt 120.00 megawat vào năm 2020. Tỷ lệ năng lượng tái sinh trong tổng năng suất điện sẽ tăng từ mức hiện tại là 8% lên 12% vào năm 2020. Năng suất các trạm thuỷ điện nhỏ (có công suất dưới 50 megawat) sẽ tăng gấp đôi lên đến mức 70.000 đến 80.000 megawat vào năm 2020 so với mức hiện tại là 31.000 megawat. Năng lượng gió sẽ tăng từ mức 560 megawat lên đến 20.000 megawat, năng lượng hữu cơ sẽ tăng từ 2.000 megawat lên 20.000 megawat. Năng lượng mặt trời sẽ tăng từ 50 megawat lên đến 1.000 megawat.

Trung Quốc là nước phụ thuộc vào năng lượng truyền thống để đáp ứng nhu cầu năng lượng. Hiện than chiếm 2/3 tổng lượng tiêu thụ năng lượng, dầu chiếm ¼. Năng lượng tái sinh chiếm dưới 1% tổng mức tiêu thụ năng lượng do dùng những năng lượng này chịu chi phí đắt hơn, đơn cử chi phí sử dụng năng lượng gió đắt gấp hai lần chi phí sử dụng năng lượng đốt than.

Theo bản dự thảo luật năng lượng tái sinh, chính phủ Trung Quốc sẽ áp thuế xuất khẩu cao vào

Năng lượng mặt trời, một nguồn năng lượng tái sinh quan trọng ở Trung Quốc. Trong ảnh: một tấm pin mặt trời được lắp đặt ở vùng nông thôn Trung Quốc.
năng lượng tái sinh để chi trả chi phí. Ngoài ra, các công ty điện phải mua toàn bộ điện từ các nguồn năng lượng tái sinh đủ tiêu chuẩn, và người tiêu thụ cuối cùng sẽ phải trả giá điện cao hơn trong đó chính phủ sẽ bao cấp một phần. Các nhà chế tạo năng lượng tái sinh sẽ được hưởng chính sách ưu đãi như giảm thuế. Các công ty điện năng lớn phải xây dựng một số cơ sở cung cấp năng lượng tái sinh, các nhà máy không cung cấp đủ mức yêu cầu sẽ bị phạt.

Chính phủ Trung Quốc sẽ thiết lập các qũy đặc biệt để ủng hộ và khuyến khích phát triển công nghiệp năng lượng tái sinh. Tuy nhiên ông Wang nhận định có thể luật dự thảo sẽ không thông qua toàn bộ những điều trên. Một số nhà phân tích cho biết điều khó khăn nhất là thuyết phục các công ty điện chấp nhận mức giá cao hơn của các nhà sản xuất năng lượng tái sinh.

Theo ông Wang, đẩy mạnh năng lượng tái sinh là trách nhiệm của toàn xã hội. Tất cả mọi người phải chịu chi phí. Đẩy mạnh tiêu thụ năng lượng tái sinh cũng nằm trong chương trình phát triển năng lượng trung hạn và dài hạn của chính phủ Trung Quốc (2004-2020).

Sẽ là quá muộn nếu ngay từ bây giờ Trung Quốc không khởi động chương trình này, ông nói. Thế nhưng, khả năng tăng sản lượng năng lượng tái sinh rất lớn, nhưng cần sự hỗ trợ của chính phủ.

Tiết kiệm... quốc sách cho chiến lược năng lượng

Nhằm đối phó với thách thức lớn nhất ở nước này trong 20 năm tới là thiếu các nguồn tài nguyên, đặc biệt là năng lượng, chính phủ Trung Quốc phải tìm cách duy trì phát triển kinh tế. Việc tiết kiệm năng lượng sẽ gặp khó khăn do thiếu động cơ kinh tế cũng như thiếu luật liên quan đến tiết kiệm năng lượng. Do vậy, sự ra đời của luật năng lượng tái sinh sẽ góp phần hỗ trợ cho chiến lược này.

Theo báo cáo mới đây, đến năm 2020, tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi do tăng trưởng kinh tế tăng gấp bốn. Trong năm 2003, tổng tiêu thụ năng lượng của nước đông dân nhất thế giới này là 1,68 tỉ tấn, trong đó 67,1% là than, 22,7% dầu thô, 2,8% khí thiên nhiên và 7,3% năng lượng tái sử dụng.

Kể từ năm ngoái, 2/3 khu vực ở Trung Quốc đã bị sụt giảm điện áp hoặc mất điện thường xuyên. Nguồn cung điện thiếu là do không xây dựng đủ nhà máy điện trong vòng vài năm qua, cũng như tiêu thụ điện năng tăng mạnh trong những ngành như thép, nhôm, xi măng và công nghiệp hoá chất. Trong khi đó, kết quả khảo sát cho thấy, trữ lượng năng lượng của Trung Quốc thấp hơn nhiều so với mức bình quân của quốc tế.

Thiếu hụt năng lượng và nhập khẩu năng lượng gia tăng sẽ cản trở tăng trưởng kinh tế và đe doạ an ninh quốc gia và môi trường. Tuy nhiên, Trung Quốc có khả năng cải thiện nguồn điện năng và giảm ảnh hưởng của việc thiếu hụt điện.

Theo báo cáo chính thức, Trung Quốc chi 13% GDP cho tiêu thụ năng lượng, gấp đôi tỷ lệ tương đương ở Mỹ. Ví dụ đối với ngành nhà ở, chỉ 2,5%-5% những ngôi nhà mới xây đáp ứng tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng. Theo ông Zhao Jiarong, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu chiến lược năng lượng quốc tế thuộc Đại học nhân dân Trung Quốc, mỗi đơn vị tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sử dụng tới 65% nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong khi ở các nước phát triển chỉ có 25%. Vì vậy, tiết kiệm và ứng dụng kỹ thuật cao mới là quốc sách cho chiến lược năng lượng của Trung Quốc.

Quan chức chính phủ và các chuyên gia đã kêu gọi thực hiện các biện pháp cụ thể để đạt được mục tiêu tiết kiệm năng lượng và duy trì tăng trưởng kinh tế.

Ông Zhao Jiarong nhấn mạnh: Các ngành như sản xuất điện, ngành thép, xăng dầu, than, thông tin và xây dựng phải hợp tác tiết kiệm năng lượng. Theo đó, vốn được tiêu thụ chủ yếu sẽ vẫn được dùng để chế tạo điện, dầu sẽ được dùng trong giao thông vận tải, các thành phố nên dùng khí thiên nhiên cho việc sưởi ấm và các mục đích gia dụng khác, chiến lược hàng đầu là tiết kiệm sử dụng xăng dầu.

Đến thời điểm 2020, Trung Quốc đặt kế hoạch tiết kiệm khoảng 1,4 tỷ tấn than tiêu chuẩn, tương đương một nửa mức tiêu thụ năm ngoái ở Trung Quốc khi Trung Quốc đạt mục tiêu phát triển toàn xã hội. NDRC đặt ra mục tiêu tiêu thụ năng lượng ở Trung Quốc sẽ đạt 3 tỷ tấn than tiêu chuẩn năm 2020 với mức tiết kiệm năng lượng hàng năm 3%, .

Ông Huang Shengchu, chủ tịch Viện Thông tin Than Trung Quốc nhận định, Trung Quốc nên xem xét lại cơ cấu kinh tế, giảm phụ thuộc vào các ngành tiêu thụ nhiều điện năng như thép và nhôm. Huang nhận định cần cân bằng giữa công nghiệp hoá và tiêu thụ năng lượng. Ông cho rằng chính phủ nên tiếp tục thực hiện chính sách kinh tế vĩ mô để giảm đầu tư vào một số ngành, đặc biệt những ngành tiêu thụ nhiều năng lượng.

Một số công ty phải chủ động nguồn điện năng, không trông chờ vào mạng điện của quốc gia. Những doanh nghiệp sử dụng nhiều điện năng mà hoạt động kém hiệu quả phải đóng cửa.

Minh Thương (Tổng hợp theo Trung Hoa nhật báo, Nhân dân nhật báo, Tân Hoa Xã)

Trung Quốc phát triển ôtô sạch

Thoạt nhìn, Habo No.1 trông không khác xe ôtô mui kín Volkswagen ở Trung Quốc. Tuy nhiên, nó lại là xe chạy bằng hydro peroxide chứ không phải bằng khí.

Nỗ lực phát triển xe sạch




Triển lãm ôtô sạch và tiết kiệm nhiên liệu bên ngoài Thượng Hải.

Hydro peroxide phản ứng với bạc để tạo ra oxy và nhiệt. Nhiệt đó có thể được sử dụng để đẩy tên lửa hoặc động cơ. Tuy nhiên, do chỉ có ba tháng để chế tạo Habo nên thiết bị cung cấp lực cho nó quá cồng kềnh, chiếm toàn bộ ghế sau. Theo He Limei, Giám đốc dự án tại Công ty công nghệ hóa học Habo Thượng Hải, xe chỉ phát thải hơi nước và oxy.

Habo chỉ là một trong 150 loại xe ôtô công nghệ cao, thử nghiệm, đang được trưng bày tại Triển lãm Challenge Bibendum trên đường đua Công thức 1 bên ngoài Thượng Hải. Xe được trưng bày tại triển lãm trên sử dụng động cơ điện, động cơ xăng - điện, tế bào nhiên liệu cùng các công nghệ khác. Mục đích là giảm ô nhiễm cũng như tăng hiệu suất sử dụng nhiên liệu.

Triển lãm phản ánh ý thức ngày càng tăng của Trung Quốc về mặt tối của ôtô - phụ thuộc vào dầu nhập khẩu, đường xá tắc nghẽn và các thành phố đầy sương khói. Theo Wan Gang, Chủ tịch ĐH Tongji, Thượng Hải, chỉ sử dụng động cơ đốt trong thông thường sẽ không đảm bảo an toàn năng lượng và môi trường ở Trung Quốc. Sự tăng vọt gần đây của giá dầu lên trên 50 đôla/thùng đã gây ảnh hưởng lớn bởi Trung Quốc hiện nhập khẩu 40% dầu từ bên ngoài.

Do là thị trường ôtô tăng trưởng nhanh nhất thế giới nên Trung Quốc đã thúc đẩy việc nghiên cứu, phát triển các loại nhiên liệu thay thế xăng dầu. Các hãng sản xuất ôtô nước ngoài đang chuẩn bị thử nghiệm xe con và xe buýt chạy bằng tế bào nhiên liệu cũng như động cơ hỗn hợp xăng - điện. Nỗ lực phát triển các loại ôtô sạch đang được đẩy nhanh khi Trung Quốc chuẩn bị tổ chức Olympics 2008 tại Bắc Kinh và Triển lãm thế giới Expo 2010 tại Thượng Hải.

Ngành ôtô trẻ - một lợi thế!




Ôtô chạy bằng hydro củaDaimlerChrysler AG

Cách đây hơn một thập kỷ, Trung Quốc tuyên bố tham vọng xây dựng ngành công nghiệp ôtô tầm cỡ thế giới. Kể từ đó, nước này đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc tạo dựng thị trường ôtô tư nhân cũng như các nhà sản xuất nội địa. Trong năm 2003, doanh số ôtô tăng 75%, thúc đẩy các hãng sản xuất toàn cầu tuyên bố kế hoạch đầu tư mới hàng tỷ đôla vào thị trường này.

Tuy nhiên, ngoài các thành phố lớn như Thượng Hải và Bắc Kinh, Trung Quốc vẫn là một nước đang chuyển đổi sang kỷ nguyên ôtô. Đường xá vẫn thấy xuất hiện xe đạp, xe ba bánh, xe bò xen lẫn xe tải và xe hơi sang trọng. Nhiều chuyên gia trong ngành ôtô nói rằng Trung Quốc là một thị trường ôtô mới. Không phải đầu tư lớn vào công nghệ lão hoá sẽ là một lợi thế. Thay vào đó, nước này đi thẳng tới thế hệ công nghệ hiện đại hơn, tương tự sự nhảy cóc trong ngành viễn thông và các ngành mới khác.

David Chen, Phó Chủ tịch hãng General Motors China, nhận xét: ''Trung Quốc có ngành công nghiệp ôtô tương đối trẻ. Do vậy, ngành này không cần hoàn toàn đi theo con đường công nghệ nhiên liệu hoá thạch. Trung Quốc ở một vị trí lý tưởng để phát triển năng lượng thay thế''.

GM và đối tác chính tại Trung Quốc (Shanghai Automotive Industry Corp) cho biết họ có kế hoạch thử nghiệm một loại xe buýt sử dụng tế bào nhiên liệu Phoenix tại Thượng Hải. Còn DaimlerChrysler AG tuyên bố sẽ thử nghiệm ba loại xe buýt chạy bằng tế bào nhiên liệu hydro tại Bắc Kinh trong năm tới. Toyota Motor Co. dự định lắp ráp và bán xe Prius chạy bằng xăng và điện tại Trung Quốc.

*
Minh Sơn (Tổng hợp)

Trung Quốc khai thác năng lượng gió

TTO - Tổ chức môi trường của Hòa bình xanh cho biết:” Trung Quốc sẽ có một nguồn lợi tức khổng lồ từ năng lương gió và có khả năng trở thành một trong những nước dẫn đầu thế giới trong cuộc cách mạng năng lượng sắp tới”.

Trung Quốc sắp ban hành đạo luật đầu tiên về việc phát triển những nguồn năng lượng có thể tái sinh, và theo tổ chức Hòa bình xanh thì việc này sẽ giúp nước này tạo ra thêm 382.000 việc làm mới.

Theo như tổ chức Hòa bình xanh thì Xu Dingming, một quan chức cấp cao chịu trách nhiệm về năng lượng thuộc Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia của Trung Quốc đã phát biểu :” Tôi có một giấc mơ vàng. Năng lượng gió là của chung mọi người, sạch và có nhiều sức mạnh. Tôi hy vọng giấc mơ của tôi thành hiện thực”.

Sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc khiến nước này đang lâm vào cơn khát năng lượng. Năm ngoái, Trung Quốc đã qua mặt Nhật Bản, trở thành nước nhập khẩu dầu thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ.

ANH QUÝ (Theo AFP)


Bắc Kinh: Sản xuất xe buýt chạy bằng điện

TTO - Bắc Kinh đã đưa vào sử dụng 20 xe buýt chạy bằng điện đầu tiên, trong kế hoạch sản xuất hơn 1000 xe búyt chạy bằng điện nhằm phục vụ Thế vận hội mùa hè năm 2008.

Chiếc xe buýt nhìn thấy trong ảnh là một trong bảy loại xe buýt điện do Công ty BIT Clean EV Bắc Kinh sản xuất. Cả bảy loại đều đã được kiểm tra và cấp giấy chứng nhận của nhà nước, có vận tốc tối đa 80 km - 95 km và có thể chạy một quảng đường 150 km - 300 km sau mỗi lần sạc điện. Với Thế vận hội mùa hè 2008, Trung Quốc muốn giới thiệu với bè bạn thế giới những chiếc xe thân thiện với môi trường do chính Trung Quốc sản xuất.

TH.TU (THX)

15/11/2004

Trung Quốc có nguy cơ thiếu chất đốt

TTO - Khoảng 200 triệu người Trung Quốc có thể thiếu chất đốt trong mùa đông tới do lượng than dự trữ tại nhiều thành phố đang thiếu hụt nghiêm trọng, cảnh báo của tờ Trung Hoa nhật báo ngày 15-11.

Theo tờ báo, chính quyền các thành phố thuộc khu vực phía bắc Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc bảo đảm đủ lượng chất đốt sưởi ấm cho dân chúng trong mùa đông do lượng than gia dụng dự trữ đang thiếu hụt nghiêm trọng. Tại tỉnh Cát Lâm, lượng than dự trữ dùng trong sưởi ấm chỉ đạt 40% so với nhu cầu thực tế. Tại Harbin, thủ phủ tỉnh Hắc Long Giang, tỷ lệ này cũng chỉ đạt 65%, thấp hơn cả chỉ tiêu do chính quyền địa phương đề ra (70%). Tại Bắc Kinh, than dự trữ chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu.

Người ta cho rằng nền kinh tế tăng trưởng 9,1% trong năm nay đã đòi hỏi một sản lượng khổng lồ than, dầu hỏa và các nguồn năng lượng khác. Điều này đã dẫn đến sự thiếu hụt nguồn năng lượng và gây ra tình trạng cúp điện, làm chậm lại tiến trình sản xuất công nghiệp ở nhiều vùng. Trong 10 tháng đầu năm, ngành than Trung Quốc đã sản xuất gần 1,29 tỷ tấn than, tăng 16% so với năm ngoái nhưng người Trung Quốc vẫn đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt than sưởi một cách trầm trọng.

NG.DAO (Theo 24h)