Thursday, March 03, 2005

Cuộc chiến tranh lạnh năng lượng của Trung Quốc


17:51' 03/03/2005 (GMT+7)

Vấn đề nổi cộm trong năm 2004 chính là sự biến động giá dầu. Giá dầu thô trên thị trường New York đã đạt đỉnh 55,67 USD/1 thùng hôm 25/10. Ngoài yếu tố cung, nguyên nhân chủ yếu và lâu dài chính là nhu cầu sử dụng năng lượng tăng đột biết tại châu Á, điển hình là Trung Quốc. Tốc độ phát triển kinh tế thần kỳ của quốc gia đông dân nhất thế giới này không chỉ biến nó thành ''người điều khiển'' tăng giá năng lượng mà còn khiến trở thành đối tượng chịu hậu quả nặng nề nhất của tình trạng giá dầu tăng cao.


Trung Quốc, nước bắt đầu nhập khẩu dầu từ năm 1993, là nhà tiêu thụ dầu lớn thứ hai trên thế giới sau Mỹ, chiếm 40% sự gia tăng nhu cầu dầu thô của thế giới kể từ năm 2000. Mức dự trữ dầu của Trung Quốc khoảng 18 nghìn tỷ thùng và dầu nhập khẩu chiếm 1/3 lượng tiêu thụ dầu thô.

Trung Quốc đã đưa ra hàng loạt chính sách đối phó với tình trạng nhu cầu năng lượng ngày càng gia tăng, trong đó có các hoạt động đẩy mạnh thăm dò; đa dạng hoá nguồn năng lượng như than, khí thiên nhiên, năng lượng tái sinh, năng lượng hạt nhân; tăng cường bảo tồn năng lượng và khuyến khích đầu tư vào công nghệ năng lượng thân thiện với môi trường như tế bào nhiên liệu năng lượng hydro (hydrogen-powered fuel) và quá trình khí hoá than đá.

Trung Quốc đã cùng với Mỹ và Nhật Bản thành lập các trung tâm dự trữ xăng chiến lược, với lượng dự trữ khẩn cấp 75 ngày tại 4 tỉnh Chiết Giang, Sơn Đông và Liêu Ninh.

Tuy nhiên, trước tình trạng thiếu năng lượng, sở hữu xe hơi tăng, vận chuyển hàng không trên khắp lãnh thổ Trung Quốc và nhu cầu năng lượng tăng mạnh trong các ngành quan trọng, chiến lược như nông nghiệp, xây dựng, sản xuất thép và xi măng, Trung Quốc đang phải gánh chịu một sức ép năng lượng khổng lồ và buộc phải tìm hướng tiêp cận với các nguồn năng lượng trên thế giới.

Như vậy, an ninh năng lượng đã đóng vai trò sống còn đối với sự ổn định và an ninh của Trung Quốc. Hiện, Trung Quốc đang đẩy mạnh nỗ lực bảo vệ đường biển, tuyến vận tải vốn mang vai trò quan trọng trong việc vận chuyển dầu, đồng thời vươn ra các khu vực khác như Trung Đông, châu Phi, Caspian, Nga, châu Mỹ, vùng biển Đông và Nam Trung Quốc để tìm kiếm các nguồn năng lượng.

Tuy nhiên, bởi vì đã nhiều thế kỷ qua Trung Quốc luôn cạnh tranh để giành vai trò lãnh đạo châu Á, thế giới đang phát triển và vị thế trên trường quốc tế, do đó nhu cầu an ninh năng lượng đã làm tăng khả năng cạnh tranh và thậm chí đối đầu trong lĩnh vực năng lượng.

Sự cạnh tranh cho đến nay đã bị giới hạn bởi khía cạnh kinh tế thông qua các công ty xăng dầu và khí đốt do nhà nước quản lý như China Petroleum & Chemical Corporation (Sinopec), China National Petroleum Corporation (CNPC) và các chi nhánh như PetroChina và China National Offshore Oil Corporation. Tuy nhiên, khi giá dầu tăng và Trung Quốc phải nhập khẩu nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn, yếu tố cạnh tranh đã vượt sang cả khía cạnh chính trị và quân sự.

Công cuộc tìm kiếm các nguồn năng lượng trên thế giới đang tạo ra một hiệu ứng gây bất ổn cho an ninh quốc tế và khu vực. Ngoài những yếu tố như thiếu một đường hướng đa phương thống nhất về an ninh năng lượng tại châu Á và sự căng thẳng trong quan hệ bang giao giữa Trung Quốc và các quốc gia láng giềng, giờ đây cuộc cạnh tranh các nguồn năng lượng có thể gây ra một cuộc xung đột khu vực và quốc tế. Trong một số trường hợp, Trung Quốc đang ganh đua để kiểm soát các nguồn năng lượng tại những khu vực bất ổn nhất trên thế giới. Sự ''dính líu'' của Trung Quốc vào các khu vực bất ổn có thể gây tranh chấp, biến các cuộc xung đột khu vực thành một cuộc xung đột quốc tế.

Sự cạnh tranh năng lượng giữa Trung Quốc và Nhật Bản

Trong khi trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và Nhật Bản tăng thần kỳ trong những năm gần đây, những tiến bộ về kinh tế có thể bị ảnh hưởng bởi sự đối đầu về chính trị, quân sự và cả bởi sự cạnh tranh gay gắt về năng lượng. Mối quan hệ giữa hai nước vẫn rất căng thẳng xung quanh nhiều vấn đề như: Trung Quốc phản đối tư cách thành viên thường trực trong Hội đồng bảo an LHQ của Nhật Bản, cựu lãnh đạo Đài Loan Lý Đăng Huy thăm Nhật Bản vào cuối năm 2004, và chuyến thăm hàng năm của Thủ tướng Nhật Junichiro Koizumi tới đền tử sĩ Yasukuni Shrine, trong đó có 14 tội phạm chiến tranh hạng A.

Trước bối cảnh mức sống của người dân Trung Quốc được cải thiện nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và mối quan hệ đối đầu giữa hai nước, Nhật Bản đang thảo luận cắt giảm khoản trợ giúp nước ngoài cho Trung Quốc. Và, mối căng thẳng đó sẽ leo thang khi cả hai đang tìm kiếm một sự bảo đảm về năng lượng. Trung Quốc và Nhật Bản đều là những nước nhập khẩu dầu mỏ lớn, Nhật Bản nhập tới 80% nhu cầu dầu mỏ của mình.

Trong nỗ lực tiếp cận các nguồn năng lượng gần và đa dạng hoá nguồn năng lượng ngoài Trung Đông, Nhật Bản và Trung Quốc đã ''vận động hành lang'' Nga về đường ống dẫn dầu. Bắc Kinh đang đẩy mạnh kế hoạch xây dựng khoảng 2.400 km đường ống dẫn dầu từ Angarsk - Siberia - tới Đại Thanh thuộc tỉnh Hắc Long Giang. Trong khi đó, Tokyo muốn xây dựng 4.000 km đường ống dẫn dầu từ Taishet tới cảng Nakhodka - Thái Bình dương.

Đề xuất trên được Nhật Bản công bố vào mùa Đông 2004. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Nga và Nhật Bản thỉnh thoảng căng thẳng xung quanh một số vấn đề như vùng lãnh thổ tranh chấp miền bắc/ Nam Kurils vào ngày 2/9, Tokyo và Moscow vẫn chưa ký hiệp ước hoà bình chính thức chấp dứt thế chiến II, do đó việc xây dựng đường ống đã nhiều lần bị trì hoãn. Hơn nữa, Trung Quốc vẫn ''chưa nằm ngoài bức tranh'', bởi vì cho đến nay vẫn còn nhiều tranh luận về việc xây dựng một nhánh của hệ thống dẫn dầu của Nhật Bản tới Trung Quốc cho đến năm 2020.

Gần hơn về địa lý, sự tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản tại vùng biển Đông Trung Quốc, nơi cả hai để tuyên bố là vùng đặc khu kinh tế (EEZ) của mình, hiện đang căng thẳng do có nhiều tin cho rằng khu vực này có nhiều dầu và khí đốt. Vùng tranh chấp bao gồm đảo Diaoyu hay còn gọi là đảo Senkaku và mỏ khí đốt Xuân Tiếu tại khu vực đông bắc Đài Loan, nơi theo thăm dò khảo sát của Nhật Bản năm 1999 có trữ lượng khoảng 200 triệu mét khối khí đốt. Năm 2003, Trung Quốc bắt đầu khoan thăm dò tại khu vực sau khi Nhật Bản từ chối đề xuất cùng phát triển mỏ này. Cho dù, mỏ khí Xuân Tiếu nằm ở phía Trung Quốc, song Nhật Bản cáo buộc Trung Quốc có thể khai thác lần nguồn năng lượng của phía Nhật Bản.

Cuộc cạnh tranh nguồn năng lượng giữa hai nước giờ đây đã có dấu hiệu chuyển thành thế đối đầu về quân sự sau sự kiện tàu ngầm nguyên tử của Trung Quốc xâm nhập vào vùng lãnh hải của Nhật Bản ngoài khơi đảo Okinawa vào ngày 10/11 năm ngoái. Nhật Bản đã mở chiến dịch truy đuổi tầu ngầm trên trong 2 ngày tại biền Đông Trung Quốc. Cho dù Trung Quốc đã xin lỗi về sự kiện trên, song sau đó có nhiều tàu nghiên cứu nước này vẫn đột nhập vào vùng biển Nhật Bản gần đảo Okinotori. Các tàu trên có nhiều khả năng đang do thám đáy biển vì mục đích khoan khí đốt. Thống kê, trong năm 2004, Trung Quốc đã tiến hành 34 cuộc ''nghiên cứu'' như vậy tại vùng EEZ của Nhật Bản.

Thêm vào những căng thẳng trên, Nhật Bản đã chuyển mình mạnh mẽ từ thái độ hoà bình và phòng thủ thời hậu chiến sang năng động hơn về mặt quân sự trong khu vực. Tokyo đã tăng cường lực lượng Tự phòng và tham gia vào các chiến dịch tại Iraq. Đáng lưu ý nhất, lần đầu tiên Nhật Bản ''nhận diện'' Trung Quốc là mối đe doạ an ninh tiềm năng trong Bản thảo chương trình Quốc phòng công bố tháng 12/2004. Ba vấn đề được xác định có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột giữa hai nước là: nguồn khí thiên nhiên tại vùng biển Đông Trung Quốc, vùng tranh chấp đảo Senkaku hoặc Diaoyu và Nhật Bản ủng hộ Mỹ trong vấn đề Đài Loan. Thiếu tin tưởng lẫn nhau, thái độ thù địch bắt nguồn từ Đệ nhị thế chiến cùng với sự đối đầu trong một số vấn đề như nguồn năng lượng và lãnh thổ, đặc biệt vai trò ngày càng năng động của cả 2 nước trên trường quốc tế có thể sẽ gây ra tình trạng biến động lớn.

Bảo vệ đường biển

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và hiệp hội các nước Đông Nam Á đã có nhiều cải thiện. Trung Quốc đã ký hiệp ước Thân thiện và Hợp tác với với các nước thành viên ASEAN năm 2003. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện đang tranh chấp một số đảo trên biển Đông với rất nhiều nước như Việt Nam, Philippines, Brunei và Indonesia và đảo Đài Loan.

Cũng tại khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc đang ra sức bảo vệ Eo biển Malacca, nơi xảy ra 40% tổng số vụ cướp biến trên thế giới. Chỗ hẹp nhất của eo này chỉ rộng khoảng hơn 2 km. Cũng giống như Nhật Bản và Mỹ, Trung Quốc đang thúc đẩy phát triển đội tàu vận chuyển dầu quốc gia hay còn gọi là VLCCs. Đội tàu có thể sẽ được huy động trong những trường hợp nguồn cung cấp nhiên liệu bị ''đứt mạch'' do tai nạn hoặc cướp biển tại khu vực dọc Eo Malacca hoặc bị Mỹ phong toả. Hiện tại, chỉ 10% lượng dầu vận chuyển của Trung Quốc được vận chuyển bằng tàu của nước này. Sự lo lắng của Trung Quốc về an ninh nhập khẩu dầu thể hiện rõ nhất vào tháng 6/2006, thời điểm nước này tiến hành chiến dịch tập trận chống khủng bố lần đầu tiên giả định là một vụ tấn công vào một tàu chở dầu.

Trung quốc hiện đang lưu ý tới kế hoạch phối hợp với Myanmar, và có thể cả Bangladesh, Pakistan hoặc Thái Lan làm đường vòng qua các eo biển. Pakistan dường như không phải là ''ứng cử viên'' bởi nguy cơ khủng bố luôn rất cao tại quốc gia Nam Á này. Một hệ thống đường ống qua Bangladesh có thể phải đi qua vùng lãnh thổ của đối thủ cạnh tranh chiến lược - Ấn Độ. Tình hình căng thẳng tại miền Nam Thái Lan cùng với yếu tố nước này là đồng minh thân cận của Mỹ cũng dự định xây dựng tuyến đường ống qua Thái Lan hoàn toàn bất khả thi. Như vậy, giờ đây Myanmar là sự lựa chọn, Trung Quốc có thể sẽ xây dựng tuyến đường ống dài 1.250 km từ cảng nước sâu Sittwe trên Vịnh Bengal tới Côn Minh - tỉnh Vân Nam. Trong khi đó, Ấn Độ cũng muốn tiếp cận các nguồn năng lượng tại Myanmar, như vậy có nhiều khả năng Myanmar sẽ trở thành ''sân cạnh tranh năng lượng'' giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

Trung Á: Cuộc chơi lớn mới

Về phía Tây, Trung Quốc tỏ ra là ''kẻ chơi năng động'' trong một cuộc chơi lớn mới. Là một phần trong chính sách phát triển ''Tây Tiến'', Trung Quốc muốn xây dựng tuyến đường ống dẫn dầu dài nhất 4.200 km từ lòng chảo Tarim tới Thượng Hải. Tuyên đường ống Tây - Đông của Trung Quốc có thể mở rộng tới Kazakhstan và Turkmenistan, thậm chí tới Iran và biển Caspian. Vào tháng 10/2004, kế hoạch xây dựng đã bắt đầu với khoảng 988 km đường ống từ Atasu, Tây Bắc Kazakhstan tới Đèo Alataw, thuộc tỉnh Tân Giang. Đường ống này có thể vận chuyển 10 triệu tấn dầu một năm. Theo kế hoạch, dự án này sẽ hoàn thành trong năm nay. Ngoài ra, Trung Quốc còn hỗ trợ phát triển các mỏ dầu tại Uzbekistan và các dự án thuỷ điện tại Kyrgyzstan và Tajikistan.

Sự hiện diện của Trung Quốc tại vùng Trung Á bắt nguồn từ hàng loạt lợi ích chiến lược. Trung Quốc đi đầu trong việc thành lập Tổ chức Hợp tác Thượng hải (SCO), tổ chức được thành lập trong bối cảnh nội chiến ở Tajikistan, chế độ Taliban vẫn nắm quyền tại Afghanistan, khủng bố ở Uzbekistan... SCO đã chuyển tiêu chỉ hoạt động từ giải quyết các tranh chấp biên giới, chống khủng bố, cực đoan sang thúc đẩy hợp tác và hội nhập kinh tế giữa Trung Quốc và Trung Á.

Tuy nhiên, sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở Trung Á luôn đi kèm với sự can dự của Nga ở khu vực, sự có mặt tăng dần của Mỹ sau sự kiện 11/9 cũng như vai trò ngày càng tăng của Ấn Độ (sử dụng quan hệ lịch sử), Ảrập Xêút và Pakistan (quan hệ tôn giáo), Thổ Nhĩ Kỳ và Iran (quan hệ văn hoá) và Hàn Quốc, Nhật Bản (dựa trên quan hệ kinh tế với khu vực).

Hàng loạt khối quyền lực chồng chéo đang nổi lên ở khu vực đều đổ vào thị trường năng lượng. Ví dụ, quan hệ được cải thiện của Trung Quốc và Ấn Độ được thể hiện qua lĩnh vực năng lượng với việc Chủ tịch khu tự trị Tân Cương Ismail Tiliwandi có chuyến thăm Ấn Độ hồi tháng 10/2004 để thảo luận về dự án liên kết vận chuyển và đường ống dẫn khí tự nhiên Trung Quốc-Ấn Độ. Với sự hiện diện quân sự ngày càng tăng ở khu vực và sự liều lĩnh tuyệt vọng nhằm tiếp cận với nguồn năng lượng khu vực, có thể hiểu được rằng Trung Á đang nổi lên là một vũ đài cho các cuộc xung đột của các thế lực trong tương lai.

Trung Quốc mở rộng sang Trung Đông

Trung Quốc đã từng cố gắng cải thiện mối quan hệ với các nhà cung cấp dầu mỏ của mình như Ảrập Xêút, Iran bằng cách bán công nghệ quân sự cho các nước đối tác này , đầu tư vào sản xuất công nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng, đồng thời luôn cố gắng đảm bảo tôn trọng tình hình nhân quyền của các nước trên.

Hiện tại, Trung Quốc nhập 13,6% tổng sản lượng dầu nhập khẩu từ Iran. Trong tháng 3/2004, Trung Quốc đã ký thỏa thuận trị giá 100 triệu USD để nhập 10 triệu tấn gaz hóa lỏng từ Iran trong vòng 25 năm và đổi bằng sự đầu tư của Trung Quốc vào quốc gia này trong lĩnh vực khai thác dầu khí, hóa dầu và xây dựng đường ống dẫn dầu tại Iran.

Mối quan hệ Trung Quốc - Iran ngày càng phát triển đã giảm bớt hậu quả của lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Chính quyền Mỹ đã từng phạt các công ty của Trung Quốc 62 lần vì đã vi phạm luật của Mỹ và luật quốc tế khi chuyển giao công nghệ chế tạo vũ khí cho Iran và một số quốc gia khác.

CIA cũng đã từng đệ trình lên Quốc hội Hoa kỳ bản báo cáo trong nó nêu rằng các công ty của Trung Quốc đã "giúp đỡ Iran tiến tới đạt được mục đích tự chế tạo các loại tên lửa đạn đạo". Trong bối cảnh cuộc khủng khoảng hạt nhân đang căng thẳng, Trung Quốc đã từng phản đối đưa vấn đề này ra trước Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc, và thậm chí đã từng đe dọa sẽ trả đũa những hành động nhằm chống lại Iran

Vì mối quan hệ Ảrập Xêút - Mỹ đã bị rạn nứt trong thế giới hậu 11/9, mối quan hệ chiến lược này có thể bị thay thế bởi quan hệ đối tác Trung Quốc - Ảrập Xêút. Xuất khẩu dầu của Ảrập Xêút sang Mỹ đã giảm trong năm 2004, trong khi đó sản lượng nhập khẩu dầu của Trung Quốc từ nước này lại tăng lên. Sinopec, công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận khai thác khí đốt tại Lòng chảo al-Khali Basin và Ảrập Xêút cũng đã đồng ý tiến hành xây dựng một nhà máy lọc dầu tại Phúc Kiến để đổi lại đầu tư của Trug Quốc trong ngành khai thác quặng Bioxit và phosphate. Quan hệ hợp tác kinh tế trong lĩnh vực năng lượng là sự bổ trợ của mối quan hệ vốn đã phát triển trong lĩnh vực quân sự, thực tế là Trung Quốc đã đã bán cho Ảrập Xêút hàng loạt tên lửa Siklwon trong thời kỳ chiến tranh Iran - Iraq những năm 1980, và cả hai quốc gia này đều có mối quan hệ chặt chẽ với Pakistan.

Nga: Tái thiết tam giác chiến lược

Nga là nhà cung cấp dầu thô lớn thứ 5 của Trung Quốc, với việc LuKoik hiện nay đang thay thế cho tập đoàn Yukos trở thành nhà cung cấp dầu hàng đầu của Nga cho Trung Quốc. Theo ước tính Trung Quốc sẽ nhập khẩu ít nhất 10 triệu tấn dầu từ Nga trong năm 2005, và con số này có khả năng sẽ đạt 15 triệu tấn trong năm 2006.

Cuộc tranh cãi xung quanh việc bán Yuganks, công ty chiếm 60% tổng sản lượng dầu của tập đoàn Yukos và chiếm 11% tổng sản lượng dầu của Nga, đã thể hiện rõ sự xuất hiện của các công ty năng lượng Trung Quốc tại Nga. Trong khi người mua bí ẩn là Tập đoàn tài chính Baikal, kết thúc việc bán cổ phần của họ trong Yugansk cho Rosneft trong tháng 12, công ty có thể bị sát nhập vào tập đoàn quốc doanh của Nga Gazprom, cũng không thể ngăn ngừa được khả năng tài sản của Yukos bị Trung Quốc mua lại. Tập đoàn đầu khí CNPC của Trung Quốc đã đề nghị mua 20% cổ phần trong Yukos và cung cấp 6 tỷ USD cho Rosneft để mua Yuganks.

Việc Trung Quốc ủng hộ Nga thúc đẩy quá trình gia nhập WTO và sự tăng trưởng trong quan hệ thương mại hai chiều Nga - Trung và sự hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố đã làm bền chặt hơn mối quan hệ Nga - Trung. Quan hệ Nga - Trung trong lĩnh vực năng lượng phản ánh sự cải thiện trong quan hệ chính trị và quân sự giữa hai quốc gia này. Trung Quốc ngày càng dựa nhiều hơn vào nguồn năng lượng của Nga và đồng thời cũng là nước mua vũ khí của Nga nhiều nhất. Nga và Trung Quốc đã sẵn sàng cho cuộc tập trận lớn nhất vào cuối năm nay.

Thực tế, việc tăng cường hợp tác Nga - Trung trong lĩnh vực năng lượng tái khẳng định ý tưởng của nguyên thủ tướng Nga Yevgeny Primakov về tam giác chiến lược giữa Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Ba quốc gia này đã gắn chặt với nhau hơn trong cuộc chiến chống khủng bố, sự thúc đẩy một thế giới đa cực và sự tôn trọng nguyên tắc chủ quyền và không can thiệp đối với các vấn đề và phong trào ly khai tại Chechinya, Kashmir và Đài Loan

Ngày nay, lĩnh vực năng lượng được bổ sung vào danh sách các lợi ích chung. Ấn Độ và Trung Quốc đã hợp tác với nhau trong lĩnh vực năng lượng, với việc Ấn Độ chiếm 20% và phía Trung Quốc chiếm 50% trong liên doanh phát triển dầu khí Yahavanran tại Iran. China Gas Holdings cũng đã thiết lập liên minh với tập đoàn dầu khí lớn nhất Ấn Độ, Gail. Với Ấn Độ và Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh mua lại Yukos, quan hệ hợp tác Nga - Trung - Ấn trong lĩnh vực năng lượng có thể sẽ còn vững mạnh hơn nữa.

Giẫm lên chân Mỹ tại châu Phi và châu Mỹ

Do Trung Quốc vẫn chưa đạt được nhiều tiến triển trong việc tiếp cận nguồn năng lượng từ những khu vực lân cận do hạn chế trong mối quan hệ với các nước láng giềng, nên nước này thể hiện rõ mong muốn muốn tiếp cận nguồn năng lượng từ những nước khác cách xa hơn.

Ví dụ, một consortium do CNPC chiếm 40% vốn với sản lượng trung bình ngày 300.000 thùng tại Sudan. Trung Quốc cũng là nhà cung cấp hàng đầu về vũ khí cho chính phủ Sudan, chính phủ nước này cũng vừa ký một thỏa thuận hòa bình với nhóm nổi dậy chính ở phía Nam, Phong trào giải phóng dân tộc Sudan (SPLM), kết thúc 20 năm xung đột ác liệt ngay trên vùng có trữ lượng dầu lớn. Chính quyền Sudan hiện vẫn còn đang vướng vào một cuộc xung đột với một nhóm du kích có vũ trang trong vùng Darfur ở phía Tây Sudan. Trung Quốc cũng đang cạnh tranh để tiếp cận được nguồn năng lượng tại Angola và các khu vực giàu dầu mỏ khác tại các nước châu Phi bằng cách đổi vũ khí để lấy dầu.

Trung Quốc cũng đang tiếp cận nguồn dầu mỏ tại châu Mỹ. Tại diễn hội nghị thượng đỉnh APEC tại Chile vào tháng 11/2004, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cũng đã công bố một thỏa thuận trong lĩnh vực dầu mỏ với Brazil trị giá 10 tỷ USD, đồng thời bổ sung thêm 1,3 tỷ USD hợp đồng giữa Sinopec với Petrobras để lắp đặt 2000 km đường ống dẫn dầu.

Trung Quốc cũng tiếp cận nguồn dầu tại Ecuador, cũng như đầu tư vào các dự án thăm dò khai thác dầu khí xa bờ của Argentia. Trong chuyến thăm của tổng thống Venezuela Hugo Chavez tới Bắc Kinh tháng 12 vừa qua và trong chuyến thăm của phó chủ tịch Trung Quốc Tăng Khánh Hồng tới Venezuala tháng giêng, Trung Quốc đã cam kết phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng cho nước này bằng cách đầu tư 350 triệu USD trong 15 khu vực giếng dầu và 60 triệu USD trong một dự án khí ga tại Venezuela

Ngày 20/1, trong chuyến thăm của thủ tướng Canada Paul Martin tới Bắc Kinh, hai nước đã ký môt thỏa thuận chung về hợp tác năng lượng trong đó bao gồm cả việc tiếp cận các nguồn dầu và nguồn uranium của Canada. Trung Quốc cũng thể hiện mong muốn tiếp cận nguồn năng lượng tại khu vực châu Mỹ bằng cách tăng cường sự can thiệp của mình vào lĩnh vực an ninh khu vực.

Trong tháng 10, Trung Quốc đã gửi đội quân gìn giữ hòa bình của mình tới Haiti như là động thái quân sự đầu tiên tới châu Mỹ Latin. Tuy nhiên, Haiti lại là một trong số 25 quốc gia công nhận Đài Loan. Mỹ đang cẩn thận quan sát các động thái của Trung Quốc vì nước này đang đặt chân lên cả những vùng mà trước đây chịu ảnh hưởng của Mỹ và đồng thời cũng là khu vực có trữ lượng dầu lửa quan trọng. Venezuela và Canada cung cấp 1/4 sản lượng năng lượng nhập khẩu của Mỹ.

Kết luận

Sự bất đồng quan điểm giữa Trung Quốc và phương Tây trước đây chủ yếu tập trung vào vấn đề tỷ giá hối đoái thấp và vấn đề nhân quyền và quan hệ với các nước "cứng đầu". Tuy nhiên, cuộc chiến nhắm chiếm lĩnh các nguồn năng lượng hiện nay đang trở thành một lĩnh vực bổ sung mới cho sự bất đồng này.

Vai trò ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong ''sân khấu năng lượng quốc tế'' có thể sau này sẽ dẫn tới sự đối đầu với nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới - Mỹ. Trong khi Trung Quốc và Mỹ đã bắt đầu đối thoại về chính sách năng lượng, cả hai quốc gia đồng thời cũng đang tham dự vào một cuộc chiến giành nguồn năng lượng tại Nga, vùng Caspia, Trung Đông, Châu Mỹ và châu Phi. Cuộc chiến này cũng có thể sẽ bao gồm luôn cả một số vấn đề bất đồng quan điểm khác. Ví dụ, với sự kiện Trung Quốc xung đột với Đài Loan, Nhật Bản và Ấn Độ hoặc một số sự kiện nhạy cảm khác, Mỹ đã kịch liệt chỉ trích hành động của Trung Quốc bằng cách ngăn chặn tàu chở dầu tới Trung Quốc bằng cách phong tỏa một .vùng biển quan trọng đối với Trung Quốc tại Eo Malacca, do đó là làm tăng thêm mâu thuẫn.

Không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ trong việc giải quyết các vấn đề tranh chấp biên giới với Ấn Độ và Nga, trong khi thất bại trong việc tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản trong vùng biển phía Đông và phía Nam, việc can thiệp gần đây nhằm tiếp cận những khu vực giàu nguồn năng lượng. Trong bối cảnh này, Trung Quốc theo đuổi chính sách "đối thoại hòa bình", đồng thời gác lại những bất đồng để có thể tạo ra một môi trường ổn định cho phát triển kinh tế đối với từng khu vực nhất định mà ở đó những lợi ích chiến lược của nước này không bị đe dọa.

  • Kiên Trần - (theo Atimes)

Trung Quốc với cơn khát dầu

Đổ xăng tại một cây xăng ở Bắc Kinh. Trung Quốc đang thực sự khát dầu

Trung Quốc đang rất cần dầu để có thể lèo lái nền công nghiệp đang phát triển mạnh mẽ và trong một chừng mực nào đó cũng nhằm thỏa mãn niềm đam mê xe hơi của người dân. Nhu cầu gần như bất tận của quốc gia đông dân nhất hành tinh là một trong những nguyên nhân chính đẩy giá dầu thế giới lên cao.


Năm 2003, Trung Quốc qua mặt Nhật Bản để trở thành nước tiêu thụ dầu mỏ nhiều thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Mỹ. Năm 2004, nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc tăng 15% trong khi sản lượng dầu mỏ trong nước chỉ tăng có 2%. Theo thống kê thì trong vòng 4 năm qua, quốc gia lớn nhất châu Á này chiếm đến 40% tỉ lệ tăng trưởng về nhu cầu dầu mỏ trên toàn thế giới. So sánh tương quan giữa cung và cầu như vậy, có thể dễ dàng đi đến kết luận Trung Quốc đang gặp khó khăn.

Trung Quốc sẽ tiêu thụ 7,2 triệu thùng dầu/ngày trong năm 2005 so với 6,6 triệu năm ngoái (tăng 9%). Ngành công nghiệp "nốc" 43% số dầu này trong khi xe hơi "ngốn" 34%.

Để giảm bớt cơn khát dầu tưởng chừng vô tận, các công ty dầu mỏ của Trung Quốc đang nỗ lực vét tối đa các giếng dầu của mình bằng những kỹ thuật tiên tiến hơn và có tin họ đang xem xét mua trang thiết bị từ những công ty dầu mỏ lớn của phương Tây. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã theo đuổi một cuộc săn tìm dầu qua đường ngoại giao. Trong các chuyến công du của giới lãnh đạo Trung Quốc những ngày này, dầu mỏ là đề tài không thể thiếu, trong khi tại Bắc Kinh năm ngoái, thảm đỏ đã nhiều lần được trải ra để chào đón các vị thượng khách đến từ 11 quốc gia thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ thế giới (OPEC). Và Trung Quốc cũng thu được kết quả. Đó là những thỏa thuận khai thác các giếng dầu ở Iran, tìm kiếm dầu mỏ ngoài khơi Cuba, quyền hoạt động tại các mỏ dầu ở Venezuela... Dĩ nhiên phương Tây không hề bỏ sót bất cứ một bước đi nào của Trung Quốc trong cuộc tìm kiếm hết sức mãnh liệt nhằm gia tăng nguồn cung cấp dầu trên khắp thế giới. D.O'Reilly, "sếp" công ty dầu mỏ khổng lồ Chevron Texaco của Mỹ, cảnh báo về "một cuộc chiến tranh giành dầu mỏ giữa phương Đông và phương Tây".

Hiện Trung Quốc đang xây dựng các mối quan hệ chiến lược với các quốc gia dọc theo đường biển từ khu vực Trung Đông. Bản thân Trung Quốc cũng có rất nhiều dầu mỏ nhưng tình hình chỉ sáng sủa với những mỏ dầu ngoài khơi bởi các mỏ dầu trong đất liền đã quá cũ và gần như khô kiệt. Về mặt kỹ thuật, 4 tập đoàn dầu mỏ lớn nhất của Trung Quốc vẫn còn tụt hậu so với các công ty phương Tây, đặc biệt là trong việc khoan tìm kiếm dầu ngoài biển sâu. Tuy nhiên, với sự trợ giúp của chính phủ, tình hình chắc chắn sẽ được cải thiện.

Xuân Anh